Gần 1,5 triệu tỷ đồng được "bơm" vào thị trường bất động sản
Cập nhật: 2025-05-22 06:50:09

Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 2 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh này đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với quý IV/2024.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 422.030 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 64.127 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 105.772 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 56.981 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 65.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 118.176 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 170.913 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 484.433 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý I, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến đáng tích cực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bao gồm việc đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp... Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm nay, tương đương với việc bổ sung khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Mới đây, trong báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn gửi tới Quốc hội, có nêu về tình hình triển khai gói tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Theo báo cáo, định kỳ 6 tháng/lần, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi để các ngân hàng thương mại thực hiện. Kể từ khi triển khai gói tín dụng này đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần thông báo lãi suất theo hướng giảm dần. 

Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, lãi suất cho vay người mua nhà và chủ đầu tư lần lượt 8,2% và 8,7%. Nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay gói này giảm còn 7,5-8%, sau đó giảm thêm 1% vào nửa cuối năm. Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất gói vay còn 6,6% với chủ đầu tư và 6,1% với người mua nhà.

Như vậy, kể từ khi triển khai, lãi suất cho vay gói tín dụng này đã giảm tổng hơn 2%. Hiện mức này đã thấp hơn lãi suất cho vay người mua nhà xã hội theo Nghị định 100 (khoảng 6,6% một năm).

Tuy nhiên, Bộ này cho rằng, tiến độ giải ngân gói tín dụng vẫn chậm. Đến nay có 97 dự án nhà ở xã hội của 38/64 tỉnh, thành được công bố đủ điều kiện vay vốn.

Số tiền giải ngân từ gói tín dụng này ước đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân hơn 2%. Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án, còn lại là người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số tiền giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng trên, Bộ cho biết nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện để vay vốn hay bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, lãi suất gói vay ưu đãi trên được đánh giá vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.

Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

                                                           --Sưu Tầm--

  Hỗ trợ đăng tin: Trợ giúp - hướng dẫn
Email: infonhadatde@gmail.com