Thế nào là mặt bằng kinh doanh?
Nói đơn giản, mặt bằng kinh doanh chính là địa điểm dùng để tổ chức các hoạt động kinh doanh, buôn bán và vị trí của mặt bằng kinh doanh rất quan trọng, có ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các đơn vị, tổ chức.
Mặt bằng cũng là yếu tố quyết định 50% sự thành công và phát triển của cơ sở kinh doanh, phần còn lại chia đều cho hiệu quả quảng bá, giá cả, chất lượng sản phẩm và tác phong phục vụ của cửa hàng.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra, mặt bằng kinh doanh chính là một ngôi nhà hay tầng trệt của một tòa nhà có vị trí đẹp để phục vụ cho kinh doanh.
Giá thuê mặt bằng cũng sẽ tùy theo từng khu vực và địa thế của mặt bằng. Bởi vậy người đi thuê cần tìm hiểu và cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Cần lưu ý những gì trước khi thuê mặt bằng?
Vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh
Vì dùng để kinh doanh nên vị trí thuận lợi là yếu tố đầu tiên cần được quan tâm. Không nhất thiết phải nằm ở đường lớn hay những vị trí đắc địa mà mặt bằng còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và tài chính chủ kinh doanh.
Tuy nhiên, cần tìm vị trí đảm bảo được sự thuận tiện trong việc lưu thông, giao thông đi lại dễ dàng. Bạn không nên thuê ở những nơi có mặt đường quá nhỏ, ngõ ngách khó tìm sẽ khiến khách hàng “lười” trong việc tìm đến còn người bán thì khó vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, cần tìm nơi có chỗ để xe, đỗ xe rộng rãi để khách hàng đến sẽ cảm thấy thoải mái. Do vậy, để đánh giá một mặt bằng có vị trí đẹp và chất lượng cần rất nhiều yếu tố mà bạn phải quan tâm.
Chất lượng mặt bằng tốt, đảm bảo
Chất lượng mặt bằng sẽ được đánh giá qua chất lượng, cơ sở vật chất của mặt bằng. Cụ thể, mặt bằng có đầy đủ các thiết vị chống cháy; chống trộm; đầy đủ thiết bị và hệ thống điện, nước; hình thức nhà đẹp; tường, gạch chắc chắn, đảm bảo, sạch sẽ… được xem là một mặt bằng tốt, chất lượng.
Một số mặt bằng thô, không có cơ sở hạ tầng đầy đủ thì thường không được đánh giá cao. Tuy nhiên sẽ có lợi hơn về mặt giá cả. Do vậy mà cần tùy vào nhu cầu sử dụng để cân nhắc và lựa chọn mặt bằng phù hợp.
Địa hình phù hợp và có tiềm năng phát triển
Đây là một vấn đề được quan tâm nhất khi đi thuê mặt bằng. Những địa hình có giao thông thuận tiện, gần khu dân cư và có ít đối thủ cạnh tranh thì được xem là mặt bằng có tiềm năng phát triển, giúp nâng cao lượng khách hàng lui tới cửa hàng. Tuy vậy, nếu địa hình không thuận lợi thì tiềm năng sẽ thấp hơn.
Để đánh giá một mặt bằng có tiềm năng, bạn có thể quan sát số lượng khách qua lại và mua bán tại các cửa hàng gần đó.
Hơn thế nữa, bạn nên tránh các khu vực đang nằm trong dự án quy hoạch bởi mặt bằng kinh doanh cần thuê lâu dài để khách có thể quen với địa điểm kinh doanh của mình. Nếu trong trường hợp phải chuyển đi sẽ mất một lượng khách lớn.
Phù hợp với bản thân và mặt hàng mình kinh doanh
Trước hết là vấn đề tài chính: hầu như ai cũng luôn muốn có một mặt bằng đẹp, đắc địa, diện tích rộng rãi. Tuy nhiên đi kèm với những điều đó sẽ là vấn đề tài chính, tiền thuê nhà sẽ cao hơn khi mặt bằng càng đẹp, càng xịn. Trước khi thuê, bạn cần cân đối tài chính và xác định khả năng chi trả để tìm một mặt bằng phù hợp.
Vấn đề mặt hàng kinh doanh: tùy vào từng loại mặt hàng để thuê mặt bằng đáp ứng được nhu cầu và công việc kinh doanh của bản thân.
Nếu trong trường hợp kinh doanh các mặt hàng như nội thất, bàn ghế, ô tô… thì cần thuê mặt bằng có diện thích rộng, tầng 1 để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng. Có thể thuê tầng trệt của một tòa nhà hoặc một showroom có không gian đủ để trưng bày các sản phẩm.
Đối với việc kinh doanh các mặt hàng như quần áo, nhà hàng, quán ăn, nha khoa, thẩm mỹ viện, các ngành dịch vụ… thì nên thuê các tòa nhà nguyên căn với nhiều tầng để thuận tiện hơn.
Bởi vậy, căn cứ vào vấn đề tài chính và mặt hàng kinh doanh bạn hãy chọn cho mình một mặt bằng thích hợp để thuận tiện trong việc buôn bán, trao đổi, thu hút khách hàng.
Chủ nhà có tâm, cho giá thuê tốt
Chủ nhà cũng có hai kiểu chủ nhà được phân chia như sau:
Chính chủ cho thuê: thường thì họ là những người sở hữu mặt bằng tiện cho việc kinh doanh nhưng họ không kinh doanh và có nhu cầu cho thuê. Những mối giao dịch không qua trung gian này khả năng sẽ có giá ưu ái hơn.
Người đứng ra cho thuê: Họ chưa chắc là chủ nhân của mặt bằng đó mà có thể là những người kinh doanh nhà đất, chuyên đầu tư vào bất động sản và cho thuê. Thông thường, họ sẽ thuê lại mặt bằng hoặc mua mặt bằng rồi nhưng dưới dạng đầu tư và sau đó cho thuê. Đối với chủ nhà kiểu này thì thường bạn sẽ dễ dàng tìm thấy họ vì họ đầu tư chạy quảng cáo tốt để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, giá thuê dạng này thường sẽ cao hơn so với thuê chính chủ.
Nhưng, ở mỗi người cũng sẽ có những tính cách khác nhau. Dù là dưới dạng thức nào nhưng nếu bạn gặp được người chủ nhà có tâm chắc hẳn sẽ mang lại những lợi ích nhất định.
Những kinh nghiệm “xương máu” khi đi thuê mặt bằng để kinh doanh
Trong kinh doanh, mặt bằng là yếu tố có ảnh hưởng then chốt đến sự thành công hay thất bại của chủ đầu tư. Nhưng đây cũng là công đoạn khó khăn bởi muốn thuê được mặt bằng đẹp, đắc địa cần có thời gian tìm kiếm và dò xét để tìm ra một địa hình ưng ý. Nhưng không chỉ đơn giản là tìm và thuê mà trong việc thuê mặt bằng kinh doanh còn tồn tại nhiều vấn đề cần được xác thực trước khi thuê để tránh những rủi ro không đáng có.
Xác định mục tiêu và sản phẩm kinh doanh là gì?
Mỗi sản phẩm, dịch vụ đều có những yêu cầu riêng nên trước khi muốn kinh doanh bạn cần xác định được mình muốn kinh doanh gì? Nhu cầu thị trường như thế nào? Căn cứ vào đó để có thể lựa chọn ra một địa điểm tốt, có lượng khách hàng tiềm năng.
Xác định cụ thể các mục tiêu kinh doanh giống như định sẵn bước đầu để quyết định các bước sau. các mục tiêu kinh doanh. Như thế bạn sẽ có định hướng trong việc tìm kiếm mặt bằng cũng như mức đầu tư chi phí thuê mặt bằng kinh doanh.
Tìm kiếm mặt bằng có địa thế tốt, phù hợp
Hiện nay, với nhiều người “máu chiến” thì họ luôn muốn tìm kiếm những cơ hội vượt trội hơn, táo bạo hơn đó là kinh doanh. Bởi vậy mà nhu cầu về thuê mặt bằng ngày nay cũng rất nhiều nên để tìm được một địa hình đẹp, phù hợp cũng cần rất nhiều thời gian và công sức để đánh giá và sàng lọc.
Nhất là các mặt hàng cần mặt bằng rộng như buôn bán nội thất, quán bi-a, quán ăn, nhà hàng… rất cần những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, những mặt bằng đẹp thì giá lại quá cao, còn mặt bằng giá thấp thì lại có nhiều yếu tố không đáp ứng được nên không thu hút được khách hàng. Đây cũng là một vấn đề nan giải của nhiều người.
Bạn cần sàng lọc trước khi thuê, đây là bước quan trọng, tìm ra những địa điểm ưng ý và sau đó đối chiếu, so sánh. Bạn cần quan tâm đến các yếu tố như địa điểm, diện tích, giá cả, cư dân xung quanh, các mặt hàng kinh doanh lân cận…
Để tìm được mặt bằng đẹp, giá tốt, phù hợp không phải ngày một ngày hai mà bạn cần có sự kiên nhẫn tìm kiếm và chờ đợi để tìm ra cho mình một vị trí tâm đắc và ưng ý nhất.
Xác minh rõ ràng thông tin chủ nhà và mặt bằng
Trước hết, bạn cần xác định được thông tin chủ nhà cũng như mặt bằng muốn thuê. Bởi lẽ, hiện nay khi công nghệ phát triển nhiều người đã dùng các kênh mạng xã hội để tìm kiếm. Nhưng đó cũng sẽ là con dao hai lưỡi bởi cũng có nhiều người lợi dụng nó để lừa đảo và chuộc lợi.
Đánh vào tâm lý của người đi thuê mặt bằng, sau nhiều ngày tìm kiếm, khi tìm được vị trí ưng ý rồi sẽ sợ có người khác thuê mất. Bởi vậy, những tên lừa đảo thường bảo cọc trước để giữ mặt bằng. Vậy là thành công dụ dỗ con mồi. Thế nên, khi thuê mặt bằng, dù là tìm kiếm trên mạng hay đã đến nơi xem xét, bạn vẫn cần tìm hiểu thật kĩ chi tiết, xác minh rõ ràng thông tin của chủ nhà và mặt bằng để tránh những hậu quả không đáng có.
Không quyết định vội vàng, thương lượng kĩ càng
Dù trong hoàn cảnh nào thì cẩn thận vẫn hơn, bạn cần nắm rõ tên tuổi chủ nhà là gì? Quyền sử dụng hay giao dịch có hợp pháp không? Những quyền lợi của bản thân có được đảm bảo không? Không nên quyết định vội vàng mà cần có sự tham khảo, dò hỏi kĩ trước khi quyết định. Cần dành thời gian để thương lượng tất cả các vấn đề khi thuê mặt bằng.
Khi thương lượng, dù là vấn đề gì và nhất là giá thuê, bạn không nên quyết định vội vàng mà cần có thời gian đàm phán. Khi bạn chốt quá nhanh, chủ nhà có thể sẽ cảm thấy bị “hớ” và sẽ phân vân trong việc cho thuê. Hoặc là bạn sẽ bị “hớ” mà khi nghĩ lại mới thấy nhưng khi đó đã chốt rồi.
Nhưng nếu bạn từ chối quá sớm cũng là điều bất lợi vì chủ nhà sẽ không cảm nhận được thiện chí muốn thuê của bạn và bạn sẽ mất cơ hội thương lượng giảm giá.
Điều bạn cần làm lúc này là nói chuyện “nửa vời”, vừa muốn thuê nhưng có một số vấn đề như là chi phí cao khiến bạn phân vân. Như vậy sẽ là đòn tâm lý giúp bạn có lợi trong việc đàm phán hơn. Do vậy, bạn cần thời gian để thương lượng và lựa chọn lúc thích hợp để chốt hạ.
Áp dụng nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” để đảm bảo được quyền lợi và hợp tác lâu dài
Đương nhiên việc cho thuê và đi thuê cần phải đảm bảo quyền lợi của hai bên thì cuộc đàm phán mới có thể diễn ra. Đây cũng là nguyên tắc trong kinh doanh để việc hợp tác được lâu dài.
Bởi vậy, hãy cho chủ nhà thấy bạn có thể mang lại cho họ những lợi ích gì. Có thể là kí kết thuê thời hạn lâu dài, có thể tự sửa chữa các hạng mục hư hỏng, cam kết đảm bảo cấu trúc công trình… Đổi lại, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc đàm phán thuê mặt bằng, khiến người cho thuê cảm thấy vui vẻ và cho bạn nhiều lợi ích hơn. Đó chính là sự tác động qua lại nhằm đáp ứng lợi ích cho nhau, cả hai cùng có lợi.
Xem kĩ các điều khoản trong hợp đồng đúng với các điều khoản đã thương lượng trước đó
Trong hợp đồng thuê mặt bằng cần đảm bảo các điều khoản cần thiết sau:
Thông tin đầy đủ, chính xác của 02 bên.
Giá cả cho thuê.
Tiền cọc.
Diện tích mặt bằng.
Ngày bắt đầu thuê
Thời gian thuê.
Khoản tăng chi phí hàng năm
Phương pháp thanh toán.
Tình trạng của mặt bằng.
Tất cả mọi giao kèo đều cần được rõ ràng và dứt khoát ngay từ đầu để tránh tranh cãi về sau. Đặc biệt, các chi phí nên được nêu rõ và chi tiết trong hợp đồng chứ không nên nói chung chung để tránh những tranh chấp, cãi cọ sau này. Ngoài ra, cần đảm bảo được các quyền lợi và trách nhiệm đã thương lượng trước đó cần có đầy đủ trong hợp đồng để không gây bất lợi về sau.
Công chứng hợp đồng thuê mặt bằng
Có một câu hỏi thường gặp là hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng không? Thực ra, không phải hợp đồng thuê mặt bằng nào cũng cần công chứng nhưng để đảm bảo được quyền và lợi ích của mình thì bạn nên thực hiện công chứng hợp đồng sau khi đã ký kết.
Các giấy tờ cần chuẩn bị khi thuê mặt bằng kinh doanh
Giấy CMND/CCCD của người cho thuê.
Giấy CMND/CCCD của người thuê mặt bằng.
Sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mặt bằng tương ứng.
Hợp đồng cho thuê mặt bằng với mẫu, thông tin hợp lệ
Tìm được một mặt bằng kinh doanh không hề dễ dàng bởi cần rất nhiều yếu tố để đánh giá được một vị trí đẹp, phù hợp. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm các kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc tìm và thuê mặt bằng. Chúc bạn sẽ tìm được một địa thế đẹp để kinh doanh, buôn bán!
-- Sưu tầm --
- Giá vàng hôm nay 21/11/2024 nóng rẫy, vàng SJC và nhẫn trơn tiếp tục tăng dữ dội
- Mẫu thiết kế phòng khách liền bếp 20m2 đẹp tối ưu diện tích
- Đà Nẵng đấu giá thành công khu đất lớn tại Hòa Xuân - Cẩm Lệ
- Giá vàng ngày 10/11: Kết thúc tuần “lao dốc”, người mua lỗ 7 triệu đồng/lượng
- Cách bố trí phòng ngủ theo hiện đại thời nay.