Thiết kế bếp không có hệ tủ phía trên đang là một trong những xu hướng được nhiều gia đình ưa chuộng, nhất là với những gia chủ đề cao sự đơn giản, gọn gàng.
Với lối bài trí này, không gian nhà bếp sẽ được mở rộng, tạo cảm giác trần nhà cao và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, có ưu thì cũng có nhược. Nếu thiếu đi những hệ tủ trên, đồng nghĩa rằng khu bếp sẽ mất đi một không gian rộng rãi để lưu trữ đồ đạc. Lúc này đòi hỏi gia chủ phải có cách sắp xếp khéo léo để đảm bảo đẹp sang cho không gian nhưng vẫn đầy đủ công năng sử dụng.
Cũng nằm trong số những người đam mê phong cách tối giản, gia đình chị Tú (SN 1986) đã ưu tiên lựa chọn thiết kế bếp không tủ trên. Sau khi khoe thành quả decor bếp trên một diễn đàn về nhà cửa, chị Tú đã nhận được nhiều lời khen của dân mạng khi có cách sắp xếp đồ đạc khéo léo, không thừa thãi bất cứ chi tiết nào.
Chuyển đến nhà mới, gia đình chị Tú ưu tiên lựa chọn mẫu bếp không hệ tủ trên. Các đợt thanh ngang cũng chỉ có chức năng trang trí và chủ yếu dùng để đặt cây xanh.
Khu vực bàn đảo
Ở cạnh bàn ăn là thiết kế bàn đảo tiện lợi, khu này được chia thành nhiều ngăn kéo nhỏ. Với ngăn trên cùng, chị Tú dùng để đựng muỗng đũa và các vật dụng nhà bếp. Trong chiếc ngăn này lại tiếp tục được chia thành nhiều ngăn nhỏ nên rất tiện lợi cho việc sắp xếp đồ đạc.
Ngăn kéo phía dưới dùng để đựng các loại bát đĩa mà gia đình hay sử dụng. Chị Tú đặt thêm 1 tấm lót phía dưới để bảo quản đồ đạc tốt hơn.
Ngăn cuối cùng được dành riêng để lưu trữ các loại hộp nhựa. Gia đình chị Tú sử dụng máy rửa bát nên đồ đạc đều được sấy khô trước khi đặt vào ngăn kéo.
Bàn đảo được trang bị 1 ngăn kéo hở để làm nơi đặt nồi cơm. Mỗi lần nấu sẽ kéo ngăn tủ ra nhằm tạo sự thông thoáng cho thiết bị dễ thoát nước, khi không dùng chỉ việc đẩy ngăn tủ vào. Thiết kế "giấu đồ" kiểu này có ưu điểm là tiện và gọn mắt.
Ở phía dưới ngăn đựng nồi cơm là những kệ tủ nhỏ. Diện tích hẹp hơn nên sẽ dùng để lưu trữ một số đồ dùng nhà bếp như màng bọc thực phẩm, giấy bạc, cân tiểu ly...
Khu vực bàn bếp
Bàn bếp của gia đình chị Tú được thiết kế theo hình chữ L. Dọc tủ đầu tiên có đến 3 ngăn kéo, chị ưu tiên lưu trữ xoong nồi ở 2 ngăn đầu và ngăn cuối dùng để bảo quản hộp nhựa. Chủ trương mua sắm của gia đình là sắm ít và đủ dùng, vậy nên chỉ cần 3 ngăn tủ là đã đủ để sắp xếp các loại xoong nồi trong nhà.
Ở dọc tủ tiếp theo, phía trên sẽ là khu vực đặt bếp từ, phía dưới là khoảng trống được phân ngăn, phân tầng. Chị Tú tận dụng để đựng thêm một số vật dụng, nồi niêu, gia vị ít dùng. Vì bếp có thiết kế chữ L nên khoảng trống này rất to, đủ để lưu trữ nhiều đồ đạc.
Cạnh máy rửa bát là 1 hộc tủ nhỏ và sâu, dùng để đựng thùng gạo, thớt, mâm mẹt và một số khay đồ.
Tiếp theo là đến khu vực để máy rửa bát. Thiết bị được đặt vừa vặn trong 1 góc tủ bếp, nằm đối diện bàn đảo để thuận tiện cho việc rửa và sắp xếp bát đĩa.
Dưới bồn rửa sẽ là khu vực đặt máy lọc nước và các dụng cụ tẩy rửa nhà bếp. Chị Tú chỉ sắm 1 giá đựng đơn giản vì cảm thấy chưa cần thiết để lắp đặt những kệ tủ rườm rà cho khu vực này.
Ô tủ cuối là khu vực gây tò mò nhiều nhất. Chị Tú chia sẻ thiết kế này chính là thành quả của việc xem review trên mạng, vậy nên đã sắm về 1 chiếc xe đẩy vừa vặn với thiết kế tủ. Đây là nơi đựng các thực phẩm không cần tủ lạnh như hành tỏi, khoai tây... Thậm chí đồ đi chợ mà chưa kịp sắp xếp thì sẽ được cất tạm vào khu vực này. Tận dụng cánh tủ, chị Tú còn thiết kế thêm 1 giá treo để đựng các loại dao nấu ăn.
Mở tủ ra sẽ là một không gian lưu trữ tuyệt vời.
Đóng tủ lại vô cùng gọn gàng, đẹp mắt.
-- Sưu Tầm--
- Những ý tưởng đơn giản giúp làm mới phòng khách nhanh chóng để đón Tết 2025
- Cập nhật giá vàng sáng 4.1: Vàng trong nước ồ ạt tăng cao
- Ngôi nhà như trong truyện cổ tích của ‘dị nhân’ xứ Thanh
- Thiết kế phòng tắm ba ngăn : Xu hướng mới thay thế tách khô ướt
- Độc đáo căn nhà xếp bằng gạch mộc “biết thở” của vợ chồng ở Đồng Nai